Không có trường, thiếu lớp học nên phải học nhờ điểm trường tiểu học, học gửi nhà dân là nỗi khổ của cô-trò bậc học mầm non (MN) ở TP Cần Thơ từ nhiều năm nay.
Không có trường, thiếu lớp học nên phải học nhờ điểm trường tiểu học, học gửi nhà dân là nỗi khổ của cô-trò bậc học mầm non (MN) ở TP Cần Thơ từ nhiều năm nay.
Trường MN thị trấn Cờ Đỏ có tổng diện tích 255m2, trong đó diện tích trong phòng là 87m2. Diện tích phòng học được trường sửa chữa trên cơ sở là những phòng ở của gia đình. Do nhu cầu của phụ huynh, 3 năm trước, trường đã tổ chức nâng cấp phần sân trường, lót gạch, dựng mái tiền chế để làm phòng học. Do là phần sân trường nên không thể xây kín hết phần nhà tiền chế nên trường đã dùng lưới B40 bao quanh và dùng mái che che lại để tránh mưa gió. Từ ngoài cổng nhìn vào là thấy ngay lớp học, học sinh nằm trên những sạp thấp, hôm nào mưa to gió lớn, ảnh hưởng đến các bé là điều không tránh khỏi. Cô Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường MM thị trấn Cờ Đỏ, nói: "Chỗ nhà tiền chế này cũng được dùng làm nhà ăn cho trẻ, sau khi trẻ ăn xong, các cô phải lau sạch nền rồi lót sạp sau đó mới cho trẻ ngủ. Do trường làm khung tiền chế lại chưa làm được la-phông nên mùa nóng cháu nào cũng mồ hôi, mặt mày đỏ lên hết, cô trò cùng chịu đựng chứ không làm cách gì được". Điểm chính khổ vậy nhưng theo cô Lan lo nhất vẫn là điểm Thới Hòa B vì Trường TH thị trấn Cờ Đỏ 2 đang có kế hoạch thực hiện dạy học 2 buổi/ngày. Như vậy, khoảng 50 cháu ở khu vực này sẽ không có nơi để học.
Mặc dù, huyện Cờ Đỏ đã cố gắng thành lập các trường mẫu giáo rải đều ở các xã. Tuy nhiên, ngoài 2 trường đạt chuẩn quốc gia và 1 trường cận chuẩn, các trường còn lại đều gặp rất nhiều khó khăn. Chẳng hạn như Trường Mẫu giáo Đông Thắng vừa được thành lập, trường có điểm chính là 2 phòng học xuống cấp của Trường TH Đông Hiệp 2, 4 điểm học nhờ trường tiểu học và 1 điểm học gởi nhà dân. Tình trạng học nhờ, học gởi cũng xảy ra nhiều năm ở Trường Mẫu giáo Xuân Thắng, huyện Thới Lai - trường gần như không có cơ sở riêng bởi từ điểm chính cho đến điểm lẻ đều học nhờ tiểu học và học gởi nhà dân. Trường Mẫu giáo Thường Thạnh, quận Cái Răng cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự vì trường có tên, có học sinh nhưng không có cơ sở vật chất. Tất cả 5 điểm trường đều học nhờ nhà dân, học gửi trường tiểu học. Tháng 2-2009, điểm trường Bà Vèn bị phá bỏ khi làm đường nên Ban giám hiệu trường đã vận động phụ huynh hỗ trợ mướn nhà dân với giá 300.000 đồng/tháng để làm lớp học. Cô Trần Thị Bích Thủy, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Thường Thạnh cho biết điểm trường này vẫn phải huy động phụ huynh đóng góp để thuê phòng học trong năm học 2009-2010.
Phải thừa nhận rằng trong 5 năm gần đây, giáo dục mầm non đã và đang được đầu tư, phát triển khá nhanh so với những năm trước đó. Với hàng loạt trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, trường mẫu giáo được thành lập mới. Tuy nhiên, tốc độ phát triển này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của TP Cần Thơ và chương trình sách giáo khoa đổi mới của Bộ GD-ĐT. Bởi chương trình mới đòi hỏi, các cháu mẫu giáo phải được phổ cập 5 tuổi. Có thể nói, so với các bậc học khác, bậc học mầm non chịu nhiều thiệt thòi. Theo thống kê của Sở GD-ĐT TP Cần Thơ, toàn thành phố còn thiếu khoảng 500 phòng học. Vì vậy, tình trạng học nhờ, học gửi xảy ra nhiều năm và kéo dài ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển của trẻ...
Cô trò tiếp tục ngóng chờ...
Trường MG Nhơn Ái (nay là Trường MG thị trấn Phong Điền), huyện Phong Điền luôn nằm trong tình trạng ẩm thấp, xuống cấp. Mặc dù là trường trung tâm thị trấn, trung tâm huyện nhưng tổng diện tích của trường chưa đến 400m2. Tình trạng nhỏ hẹp, chật chội và tạm bợ cũng xảy ra tại Trường MN thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai. Hay Trường MN Lê Bình 2, quận Cái Răng cũng luôn quá tải và các phòng học xuống cấp, ẩm thấp. Trường MN Bình Thủy cũng rơi vào tình trạng tương tự với những phòng học có mái tôn bị lủng lỗ chỗ... Thực tế, Trường MG thị trấn Phong Điền đã có kế hoạch xây dựng từ năm 2000 nhưng do không có đất, thiếu kinh phí nên không thể tiến hành xây dựng. Trước yêu cầu bức xúc của phụ huynh học sinh, huyện Phong Điền vừa khởi công xây dựng Trường MN thị trấn Phong Điền ở một vị trí mới với kinh phí hơn 30 tỷ đồng theo hướng trường đạt chuẩn quốc gia. Còn cô Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường MN thị trấn Cờ Đỏ, cho biết: "Trường đang nằm trong kế hoạch xây dựng mới theo hướng đạt chuẩn quốc gia. Chúng tôi cũng rất mong trường sớm được khởi công". Tình trạng chờ đợi cũng xảy ra ở hàng loạt trường trên địa bàn thành phố bởi hầu như các quận, huyện đều vướng cái khó chung chính là thiếu vốn và không có đất.
Hiện nay, bậc học mầm non có 895 phòng, trong đó, kiên cố có 248 phòng; bán kiên cố, cấp 4: 557 phòng; 74 phòng tạm, cây, tre, lá và 193 phòng phải học nhờ tiểu học, học gởi nhà dân. Như vậy, tính theo số lượng trẻ thì toàn thành phố còn thiếu khoảng 500 phòng học. Thành phố cũng còn đến 4 huyện chưa có trường mầm non trọng điểm; 11 xã chưa có trường MN và MG; 13 đơn vị trường MG có tên nhưng chưa có cơ sở vật chất riêng phải học nhờ, học gửi toàn bộ các điểm trường.
Không chỉ thiếu trường thiếu lớp mà một thực trạng đau đầu khác đối với bậc MN là thiếu giáo viên. Trong khi ở các bậc học khác, số lượng giáo viên đang dần ổn định, thậm chí thừa ở một số môn thì TP Cần Thơ còn thiếu đến 400 cán bộ, giáo viên mầm non. Ngoài lý do bậc học này thiếu điều kiện giảng dạy, bậc học mầm non còn thiếu những ưu đãi so với các bậc học khác trong khi thời gian làm việc, công sức bỏ ra rất nhiều.
Ông Trần Trọng Khiếm, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP Cần Thơ cho biết: "Tình trạng thiếu phòng học phải học nhờ, học gửi đã xảy ra nhiều năm. Không thể một thời gian ngắn có thể thay đổi được. Tuy nhiên, UBND TP Cần Thơ vừa phê duyệt đề án "Phát triển giáo dục mầm non TP Cần Thơ giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến năm 2020" sẽ tạo ra những thay đổi lớn cho bậc học này". Đây là lần đầu tiên, bậc học mầm non có một đề án cho riêng mình. Hy vọng, đề án này sẽ nhanh chóng được thực hiện và thực hiện theo đúng tiến độ để bậc học mầm non phát triển làm nền tảng để giáo dục học sinh phát triển ở những bậc học cao hơn.